Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

CÓ NÊN TIN VÀO MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN

Hiện nay, trên các diễn đàn dành cho các chị em xuất hiện nhiều phương pháp làm đẹp từ các loại tinh dầu thiên nhiên như dầu argan, dầu oliu, dầu dừa, dầu hướng dương, cao bí đao, dấm táo... Liệu những loại mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên này có thực sự tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng?

Xu hướng bào chế mỹ phẩm thiên nhiên

Sử dụng mỹ phẩm tự chế thực ra lại là một biện pháp làm đẹp an toàn được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bởi ngay cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới, hiện cũng có thể đem đến những sản phẩm làm đẹp không an toàn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép và nhiều chất bảo quản dễ gây ung thư... Tại Hàn Quốc, nhiều hãng mĩ phẩm như Skin Food, Baviphat, The Face shop đã thành công với các dòng mỹ phẩm tự nhiên chiết xuất từ khoai tây, kiwi, bí đao, cám gạo, bùn khoáng…

Ở Việt Nam, nhiều chị em cũng chú ý nhiều hơn đến các loại mỹ phẩm tự nhiên như kem nghệ, kem lột dư lao, kem dưỡng da dê của hãng mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) hay phấn nụ cung đình Huế làm từ cao lanh, nước hoa hồng của thương hiệu Phấn nụ Bà Tùng… Trên một số trang web dành cho các chị em như webtretho, lamchame, lamdepcungha... có rất nhiều các bài hướng dẫn cách thức pha chế mỹ phẩm với những thông tin cụ thể về địa chỉ tìm mua thành phần nguyên liệu...

Thậm chí, nhiều clip trên các mạng xã hội còn hướng dẫn cách làm kem dưỡng da, xà bông tắm, son dưỡng môi, nước hoa khô, dầu dưỡng tóc từ chính những loại tinh dầu thiên nhiên, sáp ong... Hầu hết, các bài hướng dẫn cách thức pha chế mỹ phẩm đều khá chi tiết với từng bước chế biến. Ngoài ra, còn có những thông tin cụ thể về địa chỉ tìm mua thành phần nguyên liệu, cách vệ sinh dụng cụ đựng, cách bảo quản thành phẩm…

Việc "tự chế" mỹ phẩm có vẻ rất đơn giản, rẻ tiền và hết sức an toàn với thành phần nguyên liệu có thể dễ dàng tìm mua trong nước. Ngoài yếu tố chi phí, người sử dụng lại biết được rõ ràng thành phần tạo nên sản phẩm là gì để có thể tra cứu, kiểm nghiệm về tính năng, công dụng của chúng... Chính điều này đã khiến cho mỹ phẩm tự chế trở nên an toàn và hữu dụng hơn.


Các công thức tự làm tinh dầu dừa trên trang web
Do đó, mỹ phẩm thiên nhiên và các loại tinh dầu tự nhiên trở thành phương thức làm đẹp "cực hot" của không ít chị em. Những loại mỹ phẩm này thu hút từ giới công sở có nhiều thời gian lướt web tìm tòi nghiên cứu các loại mỹ phẩm, giới sinh viên, học sinh ít tiền mà muốn chăm sóc sắc đẹp an toàn cho đến các bà nội trợ có nhiều thời gian tự bào chế mỹ phẩm. Ngoài các loại kem "da truyền", kem trộn từ lâu đã được cảnh báo về mức độ độc hại và mất an toàn cho da, còn xuất hiện nhiều loại mặt nạ chiết xuất từ cám gạo, cao bí đao, nước hoa hồng, dấm táo…

Khi xu hướng tự làm mỹ phẩm trở nên phổ biến. Nhiều người còn chuyển sang kinh doanh bán sẵn các loại mỹ phẩm thiên nhiên với giá rất rẻ chỉ từ 50.000 100.000 đồng/sản phẩm đủ dùng đến vài ba tháng. Có nhiều shop bán mỹ phẩm tự làm được khá nhiều người biết đến như Hoa Trà Đỏ, Lota shop; trên mạng thì có ibiet.net dạy làm mỹ phẩm và nguyenlieumypham bán nguyên vật liệu…

Theo hướng dẫn của trang web, hầu hết mọi loại tinh dầu hay mỹ phẩm thiên nhiên đều có thể dùng làm kem dưỡng da mặt, dưỡng ẩm, dưỡng tóc và mọc dài mi… Dầu oliu có thể bôi trực tiếp lên da để dưỡng ẩm mùa đông, chống nứt nẻ, se khít lỗ chân lông, hoặc bôi lên tóc để ủ tóc, dành cho các loại tóc khô xơ xác do dùng nhiều hoá chất. Dầu dừa cũng có công dụng tương tự nhưng còn được dùng để bôi lên mi, kích thích mọc dài mi, bôi chân tóc để tránh rụng tóc, trị dầu. Sáp ong cũng được dùng nhiều trong việc chống nứt nẻ, rạn da bụng cho phụ nữ sau khi sinh, bôi dưỡng môi chống nẻ…
Khi sử dụng mỹ phẩm tụ chế
Ngoài ra, còn có các loại cám gạo, bột yến mạch, bột ngọc trai dùng để trộn với sữa, mật ong để đắp mặt nạ dưỡng da… Chị Hoàng Hương (Ngọc Thụy, Hà Nội) cho biết: "Mình đọc trên trang web www.lamdepcungha.com thấy nhiều công thức làm đẹp hấp dẫn quá mà lại dễ thực hiện. Những loại tinh dầu dừa, dầu oliu có thể dùng để dưỡng da, tẩy da chết, dưỡng môi, chăm sóc tóc mà lại rất dễ làm. Chỉ cần mua khoảng 1kg dừa khô với giá 30.000 - 40.000 đồng là có thể đun thành 100 ml tinh dầu dừa nguyên chất".

Còn chị Thu Trang (Việt Hưng, Hà Nội) lại “cấp cứu” mái tóc xơ xác do uốn, ép tạo kiểu nhiều lần bằng chính loại dầu oliu vẫn bán ở các siêu thị. Chị Trang chia sẻ, một lần tình cờ truy cập trang web webtretho.com thấy có một số thành viên chia sẻ kinh nghiệm dùng dầu oliu ủ tóc để tóc mượt mà hơn. Chị ra siêu thị mua chai dầu oliu nguyên chất giá chỉ khoảng 150.000 đồng/nửa lít mà dùng nửa năm mới hết, tóc càng ngày càng mượt mà hơn.

Cũng theo các công thức trên, chị còn pha trộn dầu oliu với đường để tẩy da chết hoặc dùng làm kem dưỡng ẩm mỗi người. "Nhờ chai dầu đó mà da, tóc tôi ngày càng đẹp hơn. Ông xã khen lắm, vừa rẻ tiền lại đỡ lo hoá chất như mỹ phẩm bán ngoài hàng. Từ ngày trở thành tín đồ của các loại mỹ phẩm tự chế, tôi tiết kiệm được kha khá tiền mua các loại mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản mà hiệu quả làm đẹp lại rất bất ngờ", chị Trang bật mí.
Những bất ngờ lớn về mỹ phẩm
Những ẩn họa rình rập

Thế nhưng, không phải bất cứ loại mỹ phẩm thiên nhiên, tự chế nào cũng tuyệt đối an toàn với người sử dụng và đem đến công dụng làm đẹp mĩ mãn. Do không có thời gian tự chế biến nên nhiều chị em thường đặt mua các sản phẩm "hand made" được rao bán trên mạng. Hầu hết các sản phẩm này đều được người bán hàng quảng cáo là làm thủ công, nguyên chất 100% nên không sợ pha tạp, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản nên tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng.

Tuy nhiên, bao bì đóng gói sản phẩm khá thô sơ, không nhãn mác và cũng không qua bất cứ sự kiểm nghiệm của cơ quan y tế nào. Việc làm các loại mỹ phẩm trên chỉ đòi hỏi thời gian và cũng khá đơn giản, trong khi đó lợi nhuận đem lại là rất lớn. Các loại mỹ phẩm như mặt nạ khoai tây, sáp ong, cám gạo sau khi qua một vài khâu xử lý đơn giản như nghiền, xay xát, người bán đã có thể bán ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn vài ba lần giá nguyên liệu.

Chị Hà (TP.Hồ Chí Minh), chủ nhân trang web lamdep...- nơi cung cấp khá nhiều công thức làm đẹp từ các loại tinh dầu dừa, tinh dầu oliu cho biết, tất cả thương hiệu sản xuất đều khẳng định dầu dừa của mình "100% nguyên chất, 100% tinh khiết, công nghệ ép nguội, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản" và hướng dẫn cách phân biệt dầu dừa "tinh khiết" với "tinh luyện". Nhưng thực tế, có đến 90% các cơ sở có pha trộn tạp chất. Là người tự bào chế dầu dừa thường xuyên nên theo cảm nhận của chị, dầu dừa của họ đều loãng và có mùi nhạt (tỉ lệ dầu dừa tinh khiết rất thấp hoặc chỉ là mùi hương liệu), hăng và hơi chua vì dầu đã cũ. Đặc biệt, những loại dầu chỉ có giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/lít bởi mỗi lít dầu dừa nguyên chất thứ thiệt tính theo giá gốc ít nhất cũng đã là 150.000 đồng, chưa kể tiền công nạo, ép, củi lửa, chế biến, tiền vận chuyển…

Nguy hiểm hơn, có những cơ sở còn dùng chất tẩy rửa trong chế biến dầu dừa và bán với giá "siêu bèo" chỉ 50.000 - 60.000 đồng/lít. Chị nào "lỡ" mua dầu dừa tinh luyện để làm đẹp hoặc uống để chữa bệnh thì không khéo "lợi bất cập hại", thậm chí "tiền mất tật mang” nữa.

Chị Thanh Nga (Bà Triệu, Hà Nội) kể lại, sau khi mua một chai tinh dầu dừa của một người bán hàng trên chợ "ảo" về đã thấy chai có dấu hiệu vẩn đục, mùi rất chua. Bôi lên mặt thì chưa đầy 30 phút, da đã có vết mẩn đỏ thành từng mảng lớn, vừa sưng vừa ngứa. Không hiểu là do chị bị dị ứng với thành phần nào trong đó hay là do mua phải hàng đóng gói, chế biến mất vệ sinh (?!). Gọi điện "mắng vốn" người bán hàng thì chị được nghe giải thích là hàng được sản xuất thủ công nên chất lượng cũng "hên xui". Bản thân người bán hàng cũng không biết được các loại mỹ phẩm mình làm ra bị biến chất có phải do bảo quản hay không ? Hoặc cũng thu mua lại từ những nguồn khác nên nguyên liệu là chất gì, có pha tạp họ cũng… không biết.

Mang tiếng là các sản phẩm có xuất xứ từ thiên nhiên nhưng hầu hết người bán hàng đều không nắm được quy trình sản xuất và thành phần của các loại mỹ phẩm này. Có chăng chỉ dựa vào các thông tin được dán kèm, người bán hàng lại "bồi" thêm để công dụng của sản phẩm khi đến với khách hàng sẽ trở nên "bùi tai" hơn. Ngoại trừ một số sản phẩm do người bán hàng trực tiếp pha trộn hoặc hướng dẫn người dùng tự trộn có thể yên tâm hơn nhưng những “tai nạn” xung quanh việc sử dụng các sản phẩm này thì cũng không phải là hiếm. Đi vòng quanh các bệnh viện và phòng khám về da liễu, có thể bắt gặp nhiều trường hợp phải đến điều trị vì dùng mỹ phẩm tự pha chế. Mụn rộp, dị ứng, mẩn đỏ và ngứa ở mức độ nhẹ, nặng hơn người tiêu dùng có thể bị lở loét, thậm chí bị hoại tử nếu không được điều trị kịp thời.

Mặt khác, khi sử dụng các sản phẩm này, người dùng không nhận được bất kì sự đảm bảo nào về chất lượng và trách nhiệm của nhà sản xuất, phải chấp nhận "mình dùng mình chịu", may rủi "tuỳ theo trời". Cả người bán lẫn người mua đều tự xác định "luật" đó và vòng quay của những sản phẩm này lại tiếp tục. Ý thức "thiên nhiên" hay "tự nhiên" đến mức ngây thơ, dễ dãi sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể là đường dẫn đến những mầm bệnh khó lường.

Báo :Hà nội mới đưa tin.

MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN CÓ TỐT THẬT KHÔNG

Thời gian gần đây một số loại mỹ phẩm, dầu dưỡng, kem dưỡng “tự chế” được người bán quảng cáo 100% làm từ thiên nhiên, không có hóa chất đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, nếu các loại mỹ phẩm này không chế biến theo công thức đã được kiểm duyệt thì nguy cơ gây hại cho người sử dụng là không hề nhỏ.

Với những loại mỹ phẩm tự chế, nếu chưa qua công đoạn kiểm định, lọc độc tố sẽ gây hại cho người dùng

Dùng theo xu hướng

Dù không có nhãn mác, không thương hiệu nhưng các loại mỹ phẩm“handmade” (được làm thủ công) hiện thu hút khá nhiều chị em. Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, rất nhiều người tự sản xuất các sản phẩm dùng để dưỡng da, tóc, chống lão hoá,… rồi rao bán trên mạng như dầu dừa, cám gạo, bột ngọc trai, sáp ong, với cam kết 100% từ thiên nhiên, không có các thành phần hóa chất gây hại, không chất bảo quản, tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng… Xu hướng kinh doanh này đang trở thành trào lưu khi mà thị trường mỹ phẩm thật, giả lẫn lộn và thay vì tìm mua các nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng, nhiều chị em chuyển sang dùng mỹ phẩm handmade.

Chị Trần Thanh Thủy, nhân viên truyền thông của một ngân hàng cho biết, dùng mỹ phẩm bày bán ở các cửa hàng, dù được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng nhưng không biết chất lượng thế nào, nếu dùng phải hàng giả, hàng nhái có thể ảnh hưởng tới da. Tham khảo trên mạng, chị Huyền thấy nhiều chị em tự làm rồi rao bán các loại mỹ phẩm được làm từ thiên nhiên, không độc hại nên chị muốn mua về dùng thử xem sao. “Chủ các shop

online cho biết các loại mỹ phẩm tự làm có tác dụng tốt hơn hẳn mỹ phẩm bán ở cửa hàng, đặc biệt là trong việc dưỡng da, tóc, không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da,… nên người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng…”- chị Thuỷ cho biết. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do nào khiến chị đặt lòng tin vào những sản phẩm chăm sóc da và tóc này thì chị Thuỷ cho hay: “Người bán quảng cáo thế nào thì tôi tin thế ấy”.

Hiện nay, dầu dừa tự pha chế cũng là một trong những loại mỹ phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của phái đẹp. Với công dụng được quảng cáo là đẹp da, đẹp tóc, có giá bán từ 80.000 đồng- 120.000 đồng/100ml, rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại có thương hiệu trên thị trường nên không ít chị em đã mua về dùng. Gọi điện đến số điện thoại được đăng tải trên website chuyên bán các sản phẩm làm từ thiên nhiêm 100%, tôi được một phụ nữ cho biết, cứ 2kg dừa khô có thể nấu được hơn 300ml dầu dừa nguyên chất. Cũng theo người phụ nữ này, loại dầu dừa mà chị tự làm có mùi rất thơm, không nhạt và không bị pha thêm nhiều tạp chất như ở nhiều cửa hàng bày bán. Dùng dầu này để dưỡng da và tóc rất tốt…

100% thiên nhiên chưa chắc đã an toàn

Mặc dù có giá bán rất rẻ nhưng không ít khách hàng vẫn băn khoăn về độ an toàn của những sản phẩm này. Thực tế cho thấy, hiện hầu hết các loại mỹ phẩm “handmade” được chế biến theo công thức riêng chưa được kiểm duyệt và cũng không có những nghiên cứu chuyên sâu về từng loại da, nên nguy cơ gây hại cho da khi sử dụng là khó tránh khỏi. Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn những loại mỹ phẩm được sản xuất tại các cơ sở y tế, có kiểm định chất lượng. Bởi, những sản phẩm tự chế trôi nổi trên thị trường rất nhiều và khó kiểm soát. Dù những sản phẩm được người bán quảng cáo được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu thiên nhiên, song vẫn có nguy cơ gây dị ứng cho da.

Thời gian gần đây không ít bệnh nhân đã phải đến bệnh viện Da liễu Hà Nội điều trị do sử dụng sản phẩm dưỡng da tự chế. Trường hợp của chị Vũ Mai Hương, ở quận Long Biên chỉ vì nghe bạn bè khen công dụng làm đẹp của loại mặt nạ tự chế nên đã mua về dùng thử. Sau khi đắp mặt nạ tinh bột nghệ, mật ong, dầu dừa lên mặt chị Hương tá hoả khi thấy da mặt bị nổi mụn, tấy đỏ. Chị không ngờ rằng mình bị dị ứng với loại dầu dừa và bột nghệ do thuộc loại da nhờn.

Ông Nguyễn Tiến Thành- kỹ sư hoá chất của một công ty hoá mỹ phẩm cho biết, không phải tất cả sản phẩm 100% thiên nhiên đều an toàn, vì có một số dầu thực vật gây kích ứng cho da nhạy cảm, như dầu hạnh nhân, dầu óc chó, bơ ca cao… Quy trình sản xuất tự chế các loại mỹ phẩm không hợp vệ sinh, hay việc trộn các thành phần nguyên liệu trong sản phẩm có thể xảy ra những tương tác gây phản ứng không tốt, chính là một trong những lý do để người dùng nên thận trọng với những loại mỹ phẩm “handmade”. Đặc biệt, các nguyên liệu từ thiên nhiên cũng cần phải thông qua công đoạn kiểm định, lọc độc tố, như vậy mới đảm bảo an toàn.

TS :Nguyễn Đức Phúc
Trưởng phòng da liễu - bệnh viện da liễu quốc gia

MỸ PHẨM HÀN QUỐC CÓ TỐT CHO DA

Mỹ phẩm Trung Quốc chứa độc tố gấp 16.000 lần mức cho phép

Viện người tiêu dùng Hàn Quốc đã tiến hành kiểm nghiệm và phát hiện 3 loại sản phẩm làm trắng da và 2 loại thuốc tẩy trắng răng xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng thủy ngân và Peroxide vượt quá tiêu chuẩn an toàn ở mức nghiêm trọng.

Những loại sản phẩm này hiện đang được bán với giá rẻ ở chợ Seoul và Pusan, Hàn Quốc. Qua xét nghiệm, Viện người tiêu dùng Hàn Quốc phát hiện, kem làm trắng da VISION do Trung Quốc sản xuất có hàm lượng thủy ngân cao tới 15.698 ppm, vượt mức cho phép gần 16.000 lần; “Cao tẩy vết nám” (Qubangao) vượt từ 120 đến 5.212 lần; mỹ phẩm Melanin treatment không rõ nguồn gốc vượt hơn 500 lần.

Hồi tháng 5-2012, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin các loại mỹ phẩm làm trắng da và tẩy vết nám nhãn hiệu Cổ vận, Dung Quý Phi có hàm lượng thủy ngân cao tới 60.000 lần khiến người sử dụng bị trúng độc thủy ngân, thậm chí bị suy thận.

Tại Việt Nam, mỹ phẩm Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, đặc biệt là ở những khu công nghiệp, trường đại học, chợ đêm... với mẫu mã vô cùng phong phú, đa dạng và giá thành rất rẻ nên thu hút được nhiều người. Tuy nhiên chất lượng của các loại mỹ phẩm này vẫn còn là một dấu hỏi.

Bên cạnh đó, vào ngày 9/1 vừa qua, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu. Các loại mỹ phẩm phát hiện gồm nhiều chủng loại: dầu gội đầu, thuốc ủ tóc, sữa tắm... mang nhãn mác của nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý và Việt Nam. Nhưng thực chất, chúng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mỹ phẩm chiết xuất thiên nhiên chứa độc tố

Chiến dịch “Mỹ phẩm an toàn” tại Mỹ mới đây đã chứng minh nhiều loại mỹ phẩm được quảng cáo là chiết xuất thiên nhiên vẫn chứa nhiều thành phần hóa học độc hại.

Ngay cả khi các sản phầm dầu gội, sữa dưỡng ẩm, hay sữa tắm được các nhà sản xuất khẳng định là tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến môi trường, thì khách hàng cũng cần phải kiếm chứng điều đó.

Các sản phẩm chăm sóc da mặt, tay, tóc và cơ thể sẽ xuyên qua da và được hấp thụ vào các mô và máu. "Các hóa chất tổng hợp trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân sẽ xuất hiện trong các xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Qua trình hấp thụ xảy ra cả với các sản phẩm như dầu gội đầu. "Sonya Lunder, một nhà phân tích nghiên cứu cao cấp tại Skin Deep cho biết.

Đối với hơn 200 chất hóa chất phổ biết thì hấp thụ qua da là con đường duy nhất để đi vào cơ thể người. Malkan giải thích rằng, không giống như nhãn hữu cơ dán cho các sản phẩm thực phẩm, hiện không có một quy định hay tiêu chuẩn nào cho việc dán nhãn “chiết suất tự nhiên” hay “tốt cho sức khỏe” cho mỹ phẩm. Các nhà sản xuất các sản phẩm này chỉ sử dụng các thuật ngữ đó nhằm quảng bá sản phẩm.

Chiến dịch “Mỹ phẩm an toàn” đã xếp loại nguy hiểm của các loại mỹ phẩm được quảng cáo chiết xuất từ thiên nhiên trên thang điểm 10. Dầu gội đầu Hemp bị xếp 9 điểm (rất nguy hiểm), sản phẩm này được người tiêu dùng nhận xét là có mùi "thơm ngon và hữu cơ”, giống như mùi một loai xà phòng tự chế nhưng lại chứa formaldehyde hoặc oxtinoxate (các chất tiềm ẩn nguy cơ tăng độc tính).

Son môi chứa nhiều kim loại độc hại

Theo một nghiên cứu mới tại Mỹ, trong son môi chứa chì, cadmium, crom, nhôm và 5 kim loại độc hại khác. Nếu tiếp xúc quá mức cho phép có thể gây ung thư và tổn hại thần kinh.

Nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia Đại học California - Berkeley (Mỹ). Các chuyên gia đã phân tích 32 mẫu son thỏi và son nước khác nhau thường được bán trong các nhà thuốc và cửa hàng bách hóa.

Giáo sư Katharine Hammond, tác giả nghiên cứu và chuyên gia về khoa học sức khỏe môi trường cho biết: "Việc tìm ra những kim loại trong son môi không phải là vấn đề, quan trọng là nồng độ các kim loại đó. Một số kim loại độc hại đang vượt quá mức độ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng trong thời gian dài".

Tác giả nghiên cứu cho biết nhóm đặt mối quan tâm vào son thỏi và son bóng bởi sản phẩm này đang được ăn hay hấp thụ bởi người sử dụng chúng. Các dữ liệu đã chỉ ra khi bôi son môi, chất độc sẽ được hấp thụ vào cơ thể. Ở mức độ sử dụng trung bình, mỗi ngày có thể ăn khoảng 24 mg son môi, còn những người sử dụng cao, bôi nhiều lần trong ngày có thể ăn hơn 87 mg một ngày.

Nhóm sử dụng trung bình sẽ dẫn đến tiếp xúc quá nhiều với crom - một chất gây ung thư liên quan đến các khối u dạ dày. Còn người dùng nhiều sẽ nhận quá nhiều cadmium, nhôm, mangan. Tiếp xúc với nồng độ cao của mangan theo thời gian dễ bị độc tính lên hệ thống thần kinh.

Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Food And Drug Administration (FDA)vào năm 2012 cho thấy có hơn 400 thương hiệu son môi phổ biến chứa gấp đôi chì so với những báo cáo trước đó. Các tác giả giải thích, không nhất thiết phải loại bỏ son môi nhưng nên sử dụng có mức độ và thay son thường xuyên. Một số người cần cẩn thận khi tiếp xúc, bao gồm phụ nữ mang thai và trẻ em. Cũng cần quản lý thanh thiếu niên với các sản phẩm này bởi chưa xác định được mức độ chì bao nhiêu là an toàn cho lứa tuổi.

Kem chống nắng Shiseido có chứa chất kịch độc

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện sản phẩm kem chống nắng Anessa của Shiseido (Nhật Bản) chứa chất cadmium độc hại.


Bảy lô sản phẩm kem chống nắng Anessa của Shiseido (Nhật Bản) nhập vào thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc) bị phát hiện chứa chất cadmium độc hại. Hàng loạt sản phẩm chứa chất này đã bị tiêu hủy.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), kem chống nắng Anessa của hãng mỹ phẩm Shiseido (Nhật Bản) cũng bị tạm đình chỉ bán, sau khi có báo cáo về việc phát hiện kim loại độc hại trong sản phẩm này.

Hãng Shiseido cho hay, tất cả các sản phẩm không chứa cadmium. Cadmium được phát hiện trong quá trình kiểm tra chỉ ở mức thấp và vô hại với con người. Công ty cho biết thêm, tất cả các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn an toàn của Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Trung Quốc cấm bán mỹ phẩm chứa thủy ngân, chì, asen, cadmium. Cadmium có thể gây tổn thương tim, gan, thận, cơ xương và mô xương. Giá bán của một hộp kem chống nắng Anessa 60ml dao động khoảng 650.000 đồng.

Báo :Thế giới phụ nữ

NHỮNG CÁCH NHẬN BIẾT MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN

"Tự nhiên", "không độc hại" hay "An toàn sinh thái" là những cụm từ bạn thường bắt gặp trên dầu gội, đồ trang điểm..., thường khiến bạn tưởng chúng được làm từ những thành phần an toàn, tốt cho sức khỏe... Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.

Khác với thuốc, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm của Mỹ - FDA - (cũng như nhiều nước khác) - không xem xét độ an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm hoặc đồ chăm sóc cá nhân trước khi chúng ra thị trường (mà doanh nghiệp sẽ tự công bố tiêu chuẩn sản phẩm, và cơ quan quản lý hậu kiểm).

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thường dùng các chiêu quảng cáo để gây hiểu nhầm, dùng từ ngữ mơ hồ, hoặc thậm chí là những khẳng định sai lệch về các sản phẩm được gọi là sinh thái/tốt cho sức khỏe.

Các nghiên cứu tới nay cho thấy nhiều loại sản phẩm chứa các hóa chất liên quan với bệnh ung thư, vô sinh, mất cân bằng hoóc môn, dị tật thai nhi, các vấn đề về thần kinh hoặc gây ra những trục trặc sức khỏe khác.

Nên nhớ da của chúng ta không phải là một rào chắn cứng nhắc. Nó cho phép các phân tử hóa chất thấm vào máu, và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. Điều gì xảy ra trong cơ thể chúng ta khi chúng ta tiếp xúc với một lượng nhỏ hóa chất ngày qua ngày, trong nhiều năm? Không ai biết chính xác sẽ ra sao. Vì thế, cách tốt nhất là hãy sử dụng chúng an toàn và chọn những sản phẩm natural, nontoxic (tự nhiên, không độc hại).

Tuy nhiên, nhầm lẫn rất dễ xảy ra khi bạn tìm kiếm thông tin trên bìa sản phẩm. Để giúp bạn, chuyên gia củahuffingtonpost đưa ra "Top 10 cụm từ cần lưu ý về sản phẩm xanh". Chúng là các từ và thuật ngữ giúp bạn nâng cao cảnh giác về những khác biệt khó nhận thấy đang được sử dụng trên các nhãn hàng hiện nay.

1. "Environmentally Friendly" và "Eco-Safe" (hay là "Thân thiện với môi trường" và "an toàn sinh thái"). Hiện tại ở Mỹ cũng chẳng có tiêu chuẩn chính thức hoặc quy định cụ thể nào của chính phủ về những thuật ngữ này. Ngoài ra, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) còn cho những thuật ngữ này là quá mơ hồ.

2. "Đã được bác sĩ kiểm nghiệm", "Đã kiểm nghiệm độ nhạy cảm" và "Giảm dị ứng". Theo Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ, các nhà sản xuất không buộc phải thực hiện bất cứ kiểm nghiệm nào hoặc cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm đã được một bác sĩ kiểm nghiệm. Vì thế, bạn hãy tìm kiếm tên tổ chức đằng sau các tuyên bố này, thay vì xem tên công ty làm ra sản phẩm.

3. "Allergy-Friendly Fragrance" và "Fragrance-Free" (Hay "Hương thơm không gây dị ứng" và "Không mùi thơm"). Những sản phẩm này có thể được làm từ tinh dầu chứ không phải từ dầu tổng hợp không mùi (vốn có thể gây dị ứng), nhưng cũng chứa các hóa chất như DEA, SLS và màu nhân tạo. "Không mùi thơm" không nhất thiết là chẳng có mùi hương, mà có thể nó chứa mùi thơm tổng hợp để lấn át mùi của các thành phần hóa chất khác.

4. "Nontoxic" ("Không độc"). Cụm từ này không có nghĩa là sản phẩm không có chất độc, hoặc là vô hại. Mà nó chỉ ra rằng sản phẩm này là một sự thay thế an toàn hơn một số thành phần độc hại khác, và việc dùng nó sẽ không gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe. Nhưng, không có quy định cụ thể nào của chính phủ hoặc các tiêu chuẩn chính thức nào cho thuật ngữ này.

5. "Chiết xuất từ...", chẳng hạn sản phẩm có ghi "Chiết xuất từ dầu dừa" là thuật ngữ lừa dối, bởi để tạo ra cocamide DEA từ dầu dừa, người ta cần dùng đến DEA - một hóa chất tổng hợp sinh ung thư. Vì thế, nó chẳng còn tự nhiên hay là an toàn nữa.

6. "Không chứa...". Chẳng hạn, một chất khử mùi có ghi "Không CFCs". Thực chất, CFCs (hay Chloro-fluorocarbons ) đã bị cấm từ năm 1978, vì thế sản phẩm nào chứa chất này sẽ là bất hợp pháp.

Hoặc giả một loại kem khẳng định "Không Parabens", nhưng lại thay thế bằng Phenoxethanol, mà theo tiêu chuẩn an toàn Mỹ, chất này hấp thụ qua da (ở hàm lượng 100%) và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Kem bôi da và sữa tắm trẻ em thường chứa ở mức 1%. Liệu điều đó có khiến nó an toàn?

7. "Được chứng nhận xanh". Thuật ngữ "xanh" áp dụng cho một sản phẩm có lợi cho môi trường hoặc không gây hại cho môi trường. Nhưng Hiệp hội tiêu chuẩn quốc tế (ISO) cho rằng nó quá mơ hồ và không có nghĩa. Vì thế, hãy tìm kiếm những con dấu có giá trị cho điều đó, ai chứng nhận cho việc này?

8. "Natural" (hay "Tự nhiên"). Từ này có thể khiến bạn hiểu rằng sản phẩm là "từ thiên nhiên", trong khi thực tế không phải vậy. Một công ty có nhãn hàng lớn khẳng định "100% tự nhiên" trên nhãn kem dưỡng ẩm của mình nhưng sử dụng chất hoạt tính bề mặt tổng hợp, chất bảo quản và dầu thơm. Khi đó nó không còn "rất tự nhiên" nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm "tự nhiên" đều xấu. Hãy kiểm tra bản tiêu chuẩn tự nhiên của các sản phẩm chăm sóc cá nhân.


9. "Organic" (hay "Hữu cơ"). Một vài nhãn hàng lớn ghi "hữu cơ" nhưng lại chứa rất ít hoặc không hề có thành phần hữu cơ. Một công ty dầu gội khẳng định sản phẩm của họ tạo ra một "trải nghiệm hữu cơ thật sự", tuy nhiên lại chứa sodium lauryl sulfate, propylene glycol và mầu D&C, là những hóa chất tổng hợp có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu từ Trung tâm Sức khỏe Môi trường Mỹ đã tìm thấy vài sản phẩm hóa mỹ phẩm bị dán nhãn "hữu cơ" sai như vậy.

10. "Được làm từ...". Chẳng hạn, sản phẩm ghi "Được làm từ hoa oải hương", hoặc "Làm từ chanh nguyên chất" có thể chỉ chứa 1% các thành phần đó, và phần còn lại là chất tổng hợp. Hoặc "Được làm từ tinh dầu" có thể chỉ chứa 1-2 giọt tinh dầu tốt. Hãy tìm kiếm làm lượng ghi trên nhãn để chắc chắn.

Vậy đấy, để tìm được sản phẩm ưng ý, bạn hãy đọc kỹ các thành phần ghi trên nhãn, học cách tránh các hóa chất.

PGS :Ngô Tiến Đạt

Viện Nghiên Cứu Univecity

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN NÀO TỐT NHẤT




Mỹ phẩm thiên nhiên đang dần lấy lại được vị thế của mình trên thị trường.Cũng chính vì thế mà 1 lần nữa chị em phụ nữ không biết phải tin tưởng va sử dụng loại noài là thực chất của mỹ phẩm thiên nhiên.

Để có thể lựa chọn được loại mỹ phẩm thiên nhiên nào tốt nhất cho làn da của bạn là một điều không phải dễ dàng gì. Đặc biệt là đối với những chị em phụ nữ có làn da nhạy cảm thì điều đó lại càng khó khăn hơn nữa.

Mà mỹ phẩm lại có tác dụng rất lớn đối với các bạn nữ là làm mọi người trở nên xinh đẹp, rạng rỡ, lộng lẫy hơn trong mắt người mắt người khác và đặc biệt là trong mắt người khác giới, nhưng không phải loại mỹ phẩm nào cũng hoàn toàn là tốt đối với làn da của chúng ta. Vì vậy câu hỏi được đặt ra: " Mỹ Phẩm Thiên Nhiên Nào Tốt? "

Trước tiên khi chọn mỹ phẩm thiên nhiên, các bạn phải biết da mặt của mình thương phù hợp với loại nào và dễ bị kích ứng da với loại nào vì dù là thành phần thiên nhiên nhưng da chúng ta là vùng rất nhạy cảm về dễ dàng bị dị ứng nếu không phù hợp.vì vậy chúng tôi đưa ra cho các bạn những sản phẩm thiên nhiên và tác dụng của nó để các bạn có thể lựa chọn.

Nha đam: có chứa chất glycoprotein giúp chống viêm, giải dị ứng và làm lành vết thương.Bên cạnh đó nó có khả năng thấm ướt tạo độ ẩm cho da giúp da dễ đàn hồi và tạo độ ẩm cho da.

Mật ong: là sản phẩm thần kỳ đối với làn da của bạn, giúp căng mọng làn môi,mang lại làn da mịn màng bằng cách dưỡng ẩm cho da rất hữu hiệu..

Sữa: có chứa axit lactic giúp da mềm mại và mượt mà nó cũng giúp tẩy sạc ra hữu hiệu nhât.

Tinh dầu oliu: giúp tái tạo làn da, giữu ẩm và làm mềm da.

Tình dầu oải hương: giúp phục hồi làn da và tẩy các tế bào chết.

Ccá chiết xuất từ chanh, bưởi, cà chua...: giúp tẩy trắng tự nhiên, thúc đẩy sản sinh các tế bảo bằng cách tẩy các tế bào chết, làm cho da săn chắc và mềm mịn hơn.

Rong biển: giúp da cân bằng, và làn da sáng hơn.

Sữa chua: giúp chống lại nếp nhăn và làm cho làn da của bạn mềm mại và tươi tắn hơn.